Cải tiến chữ quốc ngữ: Ngược dòng lịch sử (Tác giả: TS. Phạm Văn Tình
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Cải tiến chữ quốc ngữ: Ngược dòng lịch sử (Tác giả: TS. Phạm Văn Tình
Cải tiến chữ quốc ngữ: Ngược dòng lịch sử
Tác giả: TS. PHẠM VĂN TÌNH
(Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học VN)
Câu chuyện xung quanh Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ do PGS TS Bùi Hiền, (chuyên gia Nga ngữ, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) đề xướng đã thu hút sự quan tâm của dư luận rộng rãi trong mấy ngày qua. Điều gì đã làm nên sự phản ứng mạnh mẽ (có phần quá mức cần thiết) của mọi người (nhất là cộng đồng mạng) như vậy? Phải chăng bây giờ mới có ý tưởng thay đổi bộ chữ mang “quốc hồn quốc túy” của dân tộc Việt? Phải chăng ý tưởng cải tiến của PGS TS Bùi Hiền là “vớ vẩn, vô nghĩa” thậm chí “điên rồ”? Và nếu cải tiến theo cách viết như sự giới thiệu của PGS TS Bùi Hiền thì tiếng Việt, chữ Việt sẽ đi về đâu? Muốn trả lời mấy câu hỏi này, ta thử đi ngược dòng lịch sử xem sao.
*
Ra đời đã gần 4 thế kỉ (nếu lấy mốc cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (thường gọi Từ điển Việt – Bồ - La) của A. de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma, Ý), chữ Quốc ngữ đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Đầu tiên chỉ là sản phẩm sáng tạo của các giáo sĩ châu Âu, như Gaspa de Amaral, Antonio Barbosa, Marcel Ferreyra (người Bồ Đào Nha), Alexandre de Rhodes – tức Đắc Lộ, Pigneau de Béhaine – tức Bá Đa Lộc (người Pháp), Francesco Busomi, Crisforo Borri (người Ý) nhằm thực hiện công cụ truyền giáo một cách tốt nhất (vì nếu dùng tiếng Pháp, tiếng Ý hay tiếng Bồ Đào Nha thì sẽ mất rất nhiều công sức mà hiệu quả kém hơn nhiều).
Tên gọi chữ Quốc ngữ - chữ của quốc gia - được dùng lần đầu tiên để chỉ chữ Quốc ngữ (mà chúng ta đang gọi như hiện nay) vào năm 1867 trên tờ Gia Định báo (tờ báo viết bằng chữ Việt mới xuất hiện lần đầu tiên tại Sài Gòn, ngày 15-4-1865). Thực ra, sau khi cuốn Từ điển Việt – Latin của Taberd (xuất bản 1838) thì chữ Quốc ngữ cơ bản được định hình và nó đã tồn tại trong xã hội Việt Nam ở trạng thái tam ngữ bất bình đẳng (chữ Hán của tầng lớp Nho học, chữ Pháp dùng trong hệ thống hành chính nhà nước (do Pháp bảo hộ), chữ Quốc ngữ của tầng lớp bình dân, dùng để sáng tác thơ văn và bày tỏ cảm xúc…). Nhưng càng ngày, chữ Quốc ngữ càng phát huy ưu thế của mình. Do đây là lối viết chữ ghi âm (nói thế nào viết thế ấy) dùng hệ chữ Latin để thể hiện. Đó là lối chữ giản tiện, dễ học, dễ đọc, dễ nhớ (chứ học chữ Hán và đặc biệt chữ Nôm thì vô cùng nhiêu khê, phiền phức). Chỉ trong một thời gian không dài, số lượng tác phẩm văn thơ do quần chúng nhân dân sáng tác đã tăng lên chóng mặt. Sự ra đời của các tờ báo Quốc ngữ cùng các cơ quan xuất bản vào cuộc làm cho sự quảng bá tri thức văn hóa cũng mở rộng không ngừng. Như vậy, chữ Quốc ngữ ra đời đã có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam và sứ mệnh lịch sử của nó là điều không thể phủ nhận.
Nhưng, do nhiều yếu tố mà chữ Quốc ngữ càng dùng càng bộc lộ một số điều bất hợp lí. Hệ thống âm vị tiếng Việt có 22 phụ âm đầu, 13 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi, 6 phụ âm cuối và 6 thanh điệu (âm vị siêu đoạn tính). Người ta phải dùng hệ thống chữ cái Latin để thể hiện các âm vị này. Chịu ảnh hưởng của cách viết của ngôn ngữ dòng Roman và trình độ ngữ âm học của các tác giả chữ Quốc ngữ (người châu Âu) lúc đó còn hạn chế, vì thế, chữ Quốc ngữ có âm vị được thể hiện bằng nhiều chữ cái (k = c, k, q; d = r, d, gi), nhiều vần ghép không hợp lí (ng = ng, ngh; g = g, gh…), v.v. Chữ Quốc ngữ cũng là lối viết có nhiều dấu phụ nhất (dấu râu, dấu mũ, dấu giọng…). Điều này cũng gây phiền hà cho việc viết, in ấn, phổ cập…
Vậy, từ khi ra đời đến nay, đã có ý tưởng nào định cải tiến chữ Quốc ngữ hay chưa? Dĩ nhiên là có. Mà có khá lâu rồi.
Ngay từ năm 1868, Le Grand de la Liray (trong Tự điển Việt – Pháp) đã có một số đề nghị (thay Đ bằng D, thay S bằng SH). Sau đó, năm 1886, Aymonier (trong Lối chữ viết ghi âm của chúng ta) đã có nhiều đề nghị mang tính rộng rãi hơn (thay những con chữ phụ âm kép CH, NG, NH, KH, GI… bằng con chữ đơn thích hợp. Các nguyên âm hay kết hợp nguyên âm như Ư, OA, OE, UÊ, UY.. thay bằng W, WA, WE, WÊ, WI…). Và khi có Hội nghị Quốc tế Khảo cứu về Viễn Đông (1902), người ta đã đề xuất một Đề án cải tiến chữ Quốc ngữ với nhiều cải cách mới. Năm 1906, Toàn quyền Pháp đã chuẩn y một Bản cải tiến chữ Quốc ngữ. Nhưng không chỉ người Pháp, nhiều nhân sĩ trí thức người Việt (như Phó Đức Thành (1919), Nguyễn Văn Vĩnh (1928), Dương Tự Nguyên (1932), Nguyễn Triệu Luật (1939), Ngô Quang Châu (1946), Trần Văn Được (1949), Nguyễn Bạt Tụy (1950) đã đưa vấn đề sửa đổi chữ Quốc ngữ theo hướng giản tiện hóa kí hiệu. Song nói chung mọi đề xuất cũng chỉ là... đề xuất. Các văn bản Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương được viết theo kiểu tự dạng này đều rất xa lạ và khó đọc ngay từ thời đó. Những người cộng sản Việt Nam, trong quá trình tuyên truyền vận động, có dùng chữ Quốc ngữ và đã thể hiện cách viết riêng (tuy không tuyên bố là cải tiến) như viết zai cấp (giai cấp), kách mệnh (cách mạng), kông nghiệp (công nghiệp), zân kông (dân công), v.v.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) và đặc biệt sau hòa bình lập lại (1954), Nhà nước ta đã quan tâm chú ý tới cải cách chữ viết. Lần đầu tiên, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức, được sử dụng trong mọi văn bản Nhà nước. Do đó, nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ, làm giản tiện và hợp lí hơn nhằm phát huy tốt nhất vai trò và công năng của nó trong hành chức.
Nhưng cải tiến chữ viết là công việc không thể tùy tiện. Các nhà ngôn ngữ học phải làm việc cẩn thận và phải có những nguyên tắc hợp lí. Đó là phải dựa trên cơ sở ngữ âm học (đã được khảo sát thực tế bằng tri thức ngôn ngữ học hiện đại). Phải xem xét cải tiến từng bước, dựa trên cơ sở chữ Quốc ngữ đã hình thành và phát triển bao năm qua, chọn giữ lại những nhân tố hợp lí và loại bỏ những nhân tố bất hợp lí. Mọi phương án đều phải rõ ràng và khả thi.
Nổi bật nhất trong các đề xuất của giới ngôn ngữ học thời kì này là bản Dự thảo Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ bước đầu (vào năm 1960-1961) của GS Hoàng Phê. Ông đã dựa vào cơ sở phân tích hệ thống ngữ âm tiếng Việt đã được các nhà Việt ngữ học cơ bản chấp nhận. Bản dự thảo đã đề cập:
1) Các âm vị tiếng Việt và cách viết các âm vị (gồm âm vị nguyên âm đơn, âm vị phụ âm); 2) Kết cấu âm tiết tiếng Việt và cách viết các âm tiết; 3) Vấn đề thêm vần mới và vấn đề viết liền. Căn cứ vào những nội dung đó (được phân tích kĩ trong dự thảo dài tới 60 tr.), GS Hoàng Phê thử cụ thể hóa bằng việc viết lại bản Tuyên Ngôn Độc lập (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945). Xin trích hai đoạn mở đầu:
TWIÊNNGÔN DỘCLẬP (do Hồ Chủtịch dọc ngằi 2-9-1945)
Tấtcả mọi người dều sinh ra có cwiền bìnhdẳng. Tạohóa cho họ những cwiền không ai cóthể xâmfạm được; trong những cwiền ấi, có cwiền dược sống, cwiền tựzo và cwiền mưucầu hạnhfúc.
Lời bấthủ ấi ở trong bản Twiênngôn Dộclập năm 1776 của nước Mĩ. Swi rộng ra, câu ấi có í ngĩa là: tấtcả các zântộc trên thếzới dều sinh ra bìnhdẳng; zântộc nào cũng có cwiền sống, cwiền sungsướng và cwiền tựzo…
[Nguyên bản: TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP (do Hồ Chủ tịch đọc ngày 2-9-1945)
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.]
Văn bản cải tiến này, chúng ta vẫn đọc và luận ra được. Nhưng dù sao cũng khá xa lạ và gây rắc rối khi làm quen, học và tiếp nhận. Nếu đem sử dụng, sẽ sản xuất ra hàng loạt những văn bản mới, những văn bản cũ đương nhiên sẽ biến thành những văn bản cổ. Điều quan trọng là muốn phổ cập, hệ thống giáo dục quốc dân sẽ phải thay thế toàn bộ sách giáo khoa theo cách viết mới. Học sinh sẽ phải học lại toàn bộ bảng chữ cái. Tất cả những ai viết tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ kiểu cũ cũng sẽ phải cập nhật và thay đổi. Rõ ràng, việc làm quen với mã kí hiệu mới này sẽ gặp vô vàn trở ngại. So sánh với những văn bản thí dụ theo Đề án cải tiến chữ Quốc ngữ mà PGS TS Bùi Hiền vừa đưa ra thì Phương án của GS Hoàng Phê không phức tạp bằng. Nhưng dù đơn giản hơn thì tôi tin chắc mọi người cũng dễ dàng nhận ra là vẫn rất khó. Đấy là chưa nói, Đề án của PGS TS Bùi Hiền mới chỉ là những dự kiến bước đầu, chưa thực sự hoàn thiện.
Với ngôn ngữ, chữ viết của cả một cộng đồng (dù lớn hay nhỏ), khi đã định hình thì mọi sự thay đổi đều là chuyện đại sự, sẽ nan giải nhiều bề. Điều quan trọng là phải tính tới tính khả thi của nó. Chúng ta từng biết, tiếng Nga, tiếng Pháp và nhất là tiếng Anh cũng đã bộc lộ nhiều bất hợp lí giữa chính âm và chính tả. Người Nga, người Pháp, người Anh cũng đã đi trước chúng ta về việc cải cách chữ viết nhưng đều thất bại. Nói như thế để nhấn mạnh một điều; Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ của chúng ta khi đưa ra cần phải cân nhắc tới nhiều nhân tố, nếu không vô hình trung chúng ta tự đưa mình vào một “mê hồn trận”, làm đảo lộn nhiều vấn đề liên quan tới chữ viết, ngôn ngữ và văn hóa của cả dân tộc.
Trang đầu và 1 trang của Từ điển Việt - Bồ - La
Gia Định báo - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên.
Một lối viết chính tả trong Đường Kách Mệnh.
6 câu thơ đầu trong Truyện Kiều theo cách viết cải cách của Nguyễn Bạt Tụy (1949).
------ooo000ooo------
Tác giả: TS. PHẠM VĂN TÌNH
(Hà Nội, tháng 12 năm 2017)
Nguồn: https://www.facebook.com/tinh.phamvan.712/media_set?set=a.861594440684391.1073742329.100005015282318&type=3
_________________
Chữ Việt Forum
www.chuviet.net
Similar topics
» Ngược dòng lịch sử đồng hồ Thụy Sỹ: Sự xâm chiếm của đồng hồ Quartz
» CHUYỂN HÀNG HÓA, LỊCH TẾT, MÁY MÓC, QUẦN ÁO, THỰC PHẨM, ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN ĐI QUỐC
» CHUYỂN HÀNG HÓA, LỊCH TẾT, MÁY MÓC, QUẦN ÁO, THỰC PHẨM, ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN ĐI QUỐC
» CHUYỂN HÀNG HÓA, LỊCH TẾT, MÁY MÓC, QUẦN ÁO, THỰC PHẨM, ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN ĐI QUỐC
» chuyển hàng hóa, lịch tết, máy móc, quần áo, thực phẩm, đồ dùng cá nhân đi quốc
» CHUYỂN HÀNG HÓA, LỊCH TẾT, MÁY MÓC, QUẦN ÁO, THỰC PHẨM, ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN ĐI QUỐC
» CHUYỂN HÀNG HÓA, LỊCH TẾT, MÁY MÓC, QUẦN ÁO, THỰC PHẨM, ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN ĐI QUỐC
» CHUYỂN HÀNG HÓA, LỊCH TẾT, MÁY MÓC, QUẦN ÁO, THỰC PHẨM, ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN ĐI QUỐC
» chuyển hàng hóa, lịch tết, máy móc, quần áo, thực phẩm, đồ dùng cá nhân đi quốc
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết