NGHIỆP CHẤM BÀI
Trang 1 trong tổng số 1 trang
NGHIỆP CHẤM BÀI
(Hồi ký nhân ngày Nhà giáo VN 20/11)
Lúc còn trung học, tôi rất nhút nhát trước đám đông, cũng không có khiếu thơ văn. Nghĩ mình sẽ không bao giờ theo nghề dạy học, chỉ mong làm nghề xây dựng cầu đường vì mỗi khi qua cầu sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, tôi luôn thắc mắc làm sao có thể đóng các trụ cầu bằng xi măng xuống dòng sông nước chảy xiết. Khi học lớp 10 và 11, tôi chú tâm học môn Toán và Vật lý mong sau này làm cán sự hay kỹ sư cầu đường.
Nhưng ước mơ không thành. Đầu năm 1972, chiến tranh ở miền Nam khốc liệt. Lệnh tổng động viên được ban bố. Các nam sinh 18 tuổi học lớp 11 như tôi thì phải nhập ngũ, huấn luyện ở Trường sĩ quan Thủ Đức rồi ra chiến trường, chỉ trừ khi được hoãn dịch vì gia cảnh hoặc thi đậu vào trường Sư phạm Tiểu học. Tôi đã thi đậu vào trường Sư phạm Tiểu học ở Đà Nẵng, khóa 2 niên khóa 1972-1974.
Một kỷ niệm không quên khi học Sư phạm là dịp gần Tết, cả lớp bầu anh Lương Lực, giỏi thơ văn, làm Trưởng ban Báo chí để làm đặc san Xuân. Anh Lương Lực từ chối. Sau vài lần đề cử các bạn khác, không ai chịu làm. Chẳng lẽ lớp mình không ra được báo vì việc này? Tôi bất ngờ xung phong làm Trưởng ban Báo chí dù khi ấy chẳng biết gì về kỹ thuật quay roneo. Rồi nhờ các bạn giúp đỡ, đặc san Xuân cũng ra đời. Kỷ niệm này cho tôi có kinh nghiệm chấm duyệt bài, và can đảm nhận làm Trưởng ban Báo chí sau này khi tôi học ở đại học hay khi dạy ở các trường về sau.
Trở lại chuyện học Sư phạm Đà Nẵng. Tôi cùng bạn Trần Cảnh Phúc thuê chung phòng trọ gần trường đi học cho tiện.
Năm đầu tiên, ban ngày tôi và bạn Phúc học chương trình sư phạm, ban đêm tự học lớp 12 để thi Tú tài Toàn phần. Cũng may cả hai đều đậu.
Qua năm thứ hai, tôi và Phúc tiếp tục học thêm hàm thụ ở Đại học. Phúc học Luật, còn tôi học Việt Văn ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tôi chọn học ở Sài Gòn vì từ năm 1973, ba má tôi đã vào Sài Gòn sinh sống.
Hè 1974, tất cả 112 giáo sinh khóa 2 Sư phạm Đà Nẵng đều tốt nghiệp. Trong ngày chọn nhiệm sở năm học 1974-1975 về các trường trong tỉnh Quảng Nam thì theo thứ tự ai đậu cao được chọn trước. Ai đậu thấp chọn sau. Ai vắng mặt thì nhận các trường còn sót lại.
Ngày hôm đó, tôi và Phúc kẹt ở Sài Gòn để thi cuối năm thứ Nhất Đại học Văn khoa và Luật. Khi tôi và Phúc về Đà Nẵng nhận nhiệm sở thì chỉ còn 2 chỗ cuối cùng là về chung trường Tiểu Học chỉ có 2 phòng học (lâu quá quên địa danh) ở vùng quê nghèo, vùng xôi đậu trong huyện Quế Sơn. Gọi là xôi đậu vì vùng này ban ngày lính Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, ban đêm quân Giải phóng gồm du kích, bộ đội kiểm soát.
Buổi sáng dạy lớp 3 và 4 do Phúc và tôi dạy. Buổi chiều dạy lớp 1 và 2 do 2 giáo viên địa phương học hết lớp 12 phụ trách. Tôi vừa là giáo viên dạy lớp 4, vừa là hiệu trưởng, vừa là người đánh kẻng giờ học, lo mọi việc giấy tờ, lãnh lương cho các giáo viên, v.v.
Có hai kỷ niệm thật khó quên. Kỷ niệm thứ nhất là trường ở vùng mất an ninh cho nên tôi và Phúc không thuê phòng trọ ở gần trường mà phải thuê ở ngay Quốc lộ 1, cách trường 8 km, phải đi xe đò đến trường mỗi sáng để dạy. Mỗi sáng, các xe đò chỉ được chạy sau khi lính Việt Nam Cộng Hòa rà mìn xong đường lộ vì sợ ban đêm quân Giải phóng đặt mìn chống xe tăng. Sợ trể giờ dạy, tôi và Phúc luôn đi chuyến xe đò đầu tiên. Vậy mà một ngày nọ, khi tôi và Phúc vừa xuống xe để vào trường thì nghe một tiếng nổ kinh hoàng phía sau. Quay lại nhìn thì chiếc xe đò thứ nhì cán trúng mìn chống tăng. Xe nổ tung. Chỉ còn xườn xe bốc cháy. Tất cả mọi người trên xe đò không còn thấy xương thịt ở đâu.
Kỷ niệm thứ nhì là đến tháng 2/1975, tôi và Phúc họp phụ huynh toàn trường bàn việc xây thêm một phòng học mới để qua niên khóa 1975-1976, các học sinh lớp 4 lên lớp 5 có thể học ở gần nhà, không phải đạp xe đi học xa trường lớn ở huyện. Xong buổi họp, vị đại diện phụ huynh toàn trường nói riêng với tôi rằng phụ huynh ở đây nói hai thầy dạy được và biết điều lắm. Tôi vui mừng vì nhận được tiếng khen này. Tôi và Phúc đã bảo nhau là ở trường này, mình không thể chào cờ vào mỗi sáng, cũng như không dạy các bài có tính chính trị trong sách khoa. Chỉ dạy các bài có nội dung chung chung như về lễ phép, cách đi đường, v.v...
Dù có nhiều gian khổ nhưng với tuổi trẻ nhiệt tình, cộng với kiến thức được dạy bảo từ các thầy cô ở trường Sư phạm Đà Nẵng, tôi và Phúc đã chu toàn công việc. Học sinh lớp 4 tôi dạy là ở vùng quê nghèo, mất an ninh, tuổi từ 10 đến 15. Học lực của các em rất kém so với các học sinh lớp 4 ở các trường lớn trong phố thị. Chấm bài cho các em thì chỉ chấm các bài toán đố đơn giản hay tập đặt câu, điền từ vào chỗ trống. Các em chưa làm những bài tập làm văn tả cảnh tả người.
Dạy gần hết năm học thì phải ngừng vào cuối tháng 3/1975, quân Giải phóng tiếp quản Đà Nẵng, Quảng Nam.
Một tuần, sau ngày 30/4/1975, tôi đạp xe từ Đà Nẵng đến huyện Quế Sơn hỏi khi nào có thể đi dạy lại. Trên con lộ đến huyện, khoảng gần trường tôi dạy, có dựng lên một lô cốt mới để xét giấy tờ dân chúng qua lại. Tôi vừa dừng xe tấp vào lô cốt thì nghe tiếng:
- Dạ em chào thầy.
Ngước nhìn lên tôi nhận ra người du kích đang cầm súng trường canh lô cốt là học trò lớp 4 tôi đang dạy. Vậy là tôi khỏi trình giấy tờ và được đi đến huyện. Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời huyện Quế Sơn trả lời là phải chờ đến tháng 8/1975 mới biết được có khai giảng hay không.
Thế là tôi đành phải bỏ nghề dạy học. Vài ngày sau, tôi đi xe đò về Sài Gòn rồi ra Bình Tuy làm công nhân nhà máy nước đá cung cấp cho ghe thuyền ướp lạnh cá. Nhà máy này ba tôi cùng vài người bạn ở Quảng Ngãi hùn vốn xây dựng và vận hành từ 1973.
Công việc lao động chân tay cho nên thân hình cũng khỏe mạnh rắn chắc hơn, tôi cũng rất thích và nghĩ rằng chắc mình sẽ không bao giờ trở lại nghề gõ đầu trẻ nữa.
Bất ngờ vài tháng sau, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng thông báo mời các sinh viên đang học dở dang năm thứ Nhất, Nhì, Ba, Tư chưa tốt nghiệp ở Đại học Văn khoa Sài Gòn nếu muốn thì có thể trở lại Trường học tiếp khóa Ngữ Văn Bổ túc trong 2 năm 1975-1977 và ra trường thì sẽ được bổ nhiệm làm phóng viên ở các cơ quan truyền thông, hoặc dạy Văn ở Trung học, hoặc làm cán bộ nghiên cứu ở các bộ sở, v.v…
Niên học 1974-1975, tôi cũng đang học hàm thụ môn Văn năm thứ hai Đại học Văn khoa Sài Gòn. Và thế là tôi rời công việc ở nhà máy nước đá và trở về nhà ở Sài Gòn học 2 năm khóa Ngữ Văn Bổ túc ở Đại học Tổng hợp Tp.HCM. Học xong, tôi được về dạy văn lớp 10 và 11 ở trường THPT Lý Thường Kiệt, Hóc Môn, Tp.HCM, bắt đầu niên khóa 1977-1978.
Như đã nói, tôi không có khiếu văn thơ nhưng hoàn cảnh đưa đẩy làm giáo viên văn cho nên tôi biết tôi dạy không hay và không truyền cảm. Nhưng đây là việc kiếm cơm trong thời buổi khó khăn nên tôi cũng cố gắng chu toàn. Mỗi lần chấm bài tập làm văn của các em, đặc biệt là các em giỏi văn, tôi rất thích vì hiểu rằng nếu tôi lúc đó làm đề bài văn như học sinh thì tôi sẽ không thể nào viết hay hơn các em giỏi văn.
Sau 3 năm dạy văn, cuối năm 1980, ba má tôi gom góp tài sản đóng 3 cây vàng cho chủ tàu để một mình tôi vượt biển rời Việt Nam. May mắn, tôi được định cư ở Úc vài tháng sau đó. Là con trai cả trong nhà, tôi đã làm bất cứ việc gì để có tiền gửi về Việt Nam giúp ba má và 6 người em.
Năm 1982, tôi được vào làm ở Bưu điện. Tôi hài lòng với công việc ổn định. Bằng cấp Sư phạm Tiểu học và Việt văn ở Đại học của tôi lúc đó không giúp được gì để tìm ra công việc dạy học ở xứ Úc. Tôi nghĩ chắc mình sẽ không bao giờ còn đứng lớp và chấm bài nữa.
Thế nhưng vào cuối thập niên 1990, người Việt đến Úc sinh sống càng nhiều. Có nhu cầu muốn con em biết nói và đọc được tiếng Việt. Thế là các trường dạy tiếng Việt cuối tuần được thành lập từ cộng đồng hay từ các tổ chức tôn giáo. Hiệu trưởng một trường Việt ngữ cuối tuần, Trường Văn Hóa Việt Nam vùng Bankstown, làm chung sở với tôi, biết tôi đã tốt nghiệp sư phạm tiểu học ở Việt Nam nên mời tôi tham gia giảng dạy bán thiện nguyện tiếng Việt mỗi tuần 2 giờ vào thứ Bảy. Tôi đồng ý và dạy hơn 20 năm lớp 5, rồi 6 năm làm Hiệu trưởng Trường Văn Hóa Việt Nam vùng Marrickville. Dạy học thì lại chấm bài. Nhưng lần này chỉ chấm chính tả và các câu ngắn. Các em tuy học lớp 5 trường Việt nhưng đa số các em sinh ra ở Úc, tiếng Việt nói chưa rành dù tiếng Anh thì các em rất giỏi.
Cuối năm 2016, tôi xin nghỉ dạy tiếng Việt cuối tuần vì công việc ca đêm ở sở, không phù hợp với sức khỏe.
Nghiệp chấm bài tưởng đâu chấm dứt. Ai ngờ lại vẫn tiếp tục. Nhưng lần này không chấm bài liên quan đến Chữ Quốc Ngữ mà là chấm bài Chữ VN Song Song 4.0. Xem công thức và mục đích Cvnss4.0 ở: =AT19l0YVxG8X-z4xmm39JdAE-SrLyPh3KXRGQWBpqOlSJ8aN9wSWsQvkBSW8yVeFJnZefzu4eH6Vc9Cmdg08PTv5D-aI0Rvo5rtUuxZmgPSF0otRklQiswlZtDNMPhmjZuRYv8xPvDURihaOKeUfNQf-vWfg-Bm6QzNr2HsAn0V3S5cD0yNRG9m9P120dZ6flFzWGO3tXFYOBFDvhTogaDA]https://chuvietnhanh.sourceforge.net/ChuVNSongSong.htm
CVNSS4.0 do tôi và bạn Kiều Trường Lâm sáng tạo vào cuối năm 2019. Nó là phương pháp tốc ký không dấu cho tiếng Việt, chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh và dựa trên nền tảng Chữ Quốc Ngữ (CQN). Nó rút gọn tối đa CQN qua một số quy tắc, rồi dùng chữ cái đặt ở cuối từ để thay thế dấu thanh và dấu phụ.
CVNSS4.0 ra đời hơn 3 năm nhưng đã có nhiều người cao tuổi thích học và viết trên Facebook vì không cần phần mềm để gõ và xem như một cách tập thể dục trí não để không bị lão hóa.
Tôi lại thường chấm các bài xem có bao nhiêu lỗi. Nếu bạn vào trang Facebook của cô Hồng Là =AZUuaOYG5zbeZexPJbYvsDR1BvhW8JzgEP7kh9lDOdEg41VMcxGJznmKHmP5V8jWNhy-ID-dnDd0CVYJuG3YD5vnWpUFulnL5SeP2W1lpqB9JyiDVSJCxZMFM_UJVMfPu73MMG-5ebt_PXl7VXBq7MPVymo0fYm3mKpCOk9rjfxjPQLqMuZWs2jrbcUxL36nl_s&__tn__=-]K*F]https://www.facebook.com/la.phamthi.35 ở Hải Dương và của anh Hợi Phạm =AZUuaOYG5zbeZexPJbYvsDR1BvhW8JzgEP7kh9lDOdEg41VMcxGJznmKHmP5V8jWNhy-ID-dnDd0CVYJuG3YD5vnWpUFulnL5SeP2W1lpqB9JyiDVSJCxZMFM_UJVMfPu73MMG-5ebt_PXl7VXBq7MPVymo0fYm3mKpCOk9rjfxjPQLqMuZWs2jrbcUxL36nl_s&__tn__=-]K*F]https://www.facebook.com/pham.hoi.5872682 ở Biên Hòa thì sẽ thấy hơn 2 năm qua, mỗi ngày 2 vị này đăng các bài thơ bằng 2 kiểu chữ: CQN và CVNSS4.0.
Vì vậy, tuy không còn đứng lớp nhưng chấm bài Chữ VN Song Song 4.0 chắc sẽ là sự nghiệp suốt đời tôi.
(Trần Tư Bình,
tháng 11/2023)
Facebook: =AZUuaOYG5zbeZexPJbYvsDR1BvhW8JzgEP7kh9lDOdEg41VMcxGJznmKHmP5V8jWNhy-ID-dnDd0CVYJuG3YD5vnWpUFulnL5SeP2W1lpqB9JyiDVSJCxZMFM_UJVMfPu73MMG-5ebt_PXl7VXBq7MPVymo0fYm3mKpCOk9rjfxjPQLqMuZWs2jrbcUxL36nl_s&__tn__=-]K*F]https://www.facebook.com/tubinhtran
_________________
Chữ Việt Forum
www.chuviet.net
Similar topics
» Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán trưởng hành chính sự nghiệp,doanh nghiệp – LH – 0912108985
» Đớn Đau Châm Chích…
» Va chạm với xe tải, một phụ nữ bị cán chết
» CHẠM KHẼ NỖI BUỒN
» Ngàn Kim Châm Chích
» Đớn Đau Châm Chích…
» Va chạm với xe tải, một phụ nữ bị cán chết
» CHẠM KHẼ NỖI BUỒN
» Ngàn Kim Châm Chích
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết