Chữ Việt Forum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

SƠ LƯỢC VỀ TỔ CHỨC THẾ HỆ, DANH TÁNH TRONG HỌ NGUYỄN-PHƯỚC

Go down

SƠ LƯỢC VỀ TỔ CHỨC THẾ HỆ, DANH TÁNH TRONG HỌ NGUYỄN-PHƯỚC Empty SƠ LƯỢC VỀ TỔ CHỨC THẾ HỆ, DANH TÁNH TRONG HỌ NGUYỄN-PHƯỚC

Bài gửi by TrangNguyenVinh 6/7/2017, 17:33

SƠ LƯỢC VỀ TỔ CHỨC THẾ HỆ, DANH TÁNH TRONG HỌ NGUYỄN-PHƯỚC

NGUYỄN VĨNH-TRÁNG
Cours Enf. Pré. Elé. 1948-1951 JDA,
Nội trú 8e
 1951-1952 TH.

Muốn viết vài hàng để góp phần nhỏ mọn của tôi trong Đặc-San kỷ niệm Đại-Hội Cựu Học
Sinh Thiên-Hựu, Jeanne d’Arc, nhưng tôi không nghĩ ra được một đề tài nào cho hợp với ĐạiHội.
Kỷ niệm lúc thiếu thời tại ngôi trường thân yêu, thì hẳn là có, nhưng chắc chắn có những
đàn anh, đàn chị, những bạn học lâu năm hơn tôi tại trường, đã viết rồi, nên tôi xin tạm viết
bài nầy vậy.

Nếu tôi không lầm, thì trước năm 1975, hầu như đến ba phần tư người Huế đều có liên hệ
dòng họ với họ Nguyễn-Phước. Một mặt, đại đa số người trong họ Nguyễn-Phước đều ở Huế,
trừ một số nhỏ đi lập nghiệp tại các tỉnh khác. Mặt khác là những người, mặc dù, không thuộc
họ Nguyễn-Phước, thì cũng bà con với họ Nguyễn-Phước về bên ngoại, như mẹ, bà nội, bà
ngoài, bà cố nội, bà cố ngoại… Thế mà tôi gặp rất nhiều người, ngay cả những người lúc
trước ở Huế, hỏi tôi về các « Họ » Bửu, Vĩnh…, cùng một vài người bà con trong họ, về
Công-Tằng-Tôn, Công-Huyền-Tôn… Nên nhân dịp Đặc San Thiên Hựu ra mắt ngày Đại-Hội,
hôm nay tôi xin cố gắng viết vài hàng về tổ chức thế hệ, danh tánh trong họ Nguyễn-Phước,
do chỉ dụ, năm Minh-Mạng thư ba (1823), của Nguyễn Thánh-Tổ, ban ra.

Để độc giả dễ theo dõi, tôi chia bài nầy theo các mục sau:

- Danh xưng họ Nguyễn-Phước.
- Tên lót của các thế hệ con cháu, nhất là bài Đế Hệ Thi.
- Các danh hiệu « Công-Tôn, Công-Tằng-Tôn, Công-Huyền-Tôn… ». Mụ, Mệ.
- Cách đặt tên cho các Hoàng-Tử và trọng húy của các vị Hoàng-Đế.

I – Danh xưng họ Nguyễn-Phước.

Theo cụ Tôn Thất Hân, Phụ Chánh Thân Thần, thì họ Nguyễn-Phước là một nhánh của họ
Nguyễn, lúc trước, vào những năm 1400, đến lập nghiệp tại làng Gia-Miêu Ngoại-Trang
嘉苗外庄, huyện Tống-Sơn 宋山, phủ Hà-Trung 河中, tỉnh Thanh-Hoa (Hóa) 倩化, thì danh
xưng họ Nguyễn-Phước là Nguyễn, như Nguyễn Biện 阮汴, Nguyễn Sừ 阮儲, hay đôi khi có
thêm chữ lót giữa họ và tên, như Nguyễn Công Duẫn 阮公笋, Nguyễn Đức Trung 阮德忠,
hay Nguyễn Văn, như Nguyễn Văn Lang 阮文郎, Nguyễn Văn Lưu 阮文溜, thân phụ của
Triệu-Tổ Nguyễn-Kim 阮淦. (Bulletins des Amis du Vieux Huế - BAVH. Juillet-Septembre
1920, trang 296-299).

Năm Qúy-Hợi (1563), khi Hy-Tông Nguyễn-Phước Nguyên 阮福源 (Chúa Sãi) ra đời, thì
Thái-Tổ Nguyễn Hoàng 阮潢 (Chúa Tiên) mới đổi danh xưng họ Nguyễn ra Nguyễn-Phước
阮福 . Đến năm Canh-Tý (1600), Nguyễn Hoàng có để lại người con thứ năm là Nguyễn Hải
阮海 và người cháu là Nguyễn Hắc 阮潶 (con trưởng của Nguyễn Hán 阮漢, Nguyễn Hán là
con thứ hai của Thái-Tổ), làm con tin ở ngoài Bắc, cho chúa Trịnh Tùng. Nguyễn Hải làm
quan với nhà Lê tới chức Tả-Đô-Đốc, tước Cẩm Quận-Công ; Nguyễn Hán cũng làm quan với
nhà Lê tới chức Tả-Đô-Đốc, tước Lỵ Quận-Công. Sau nầy, Thế-Tổ Nguyễn-Phước Ánh
阮福映 đổi danh xưng họ Nguyễn của con cháu hai ông Nguyễn Hải và Nguyễn Hán ra
Nguyễn-Hựu 阮祐. Vậy họ Nguyễn ở làng Gia-Miêu Ngoại-Trang, huyện Tống-Sơn, tỉnh
Thanh-Hóa, có hai danh xưng là Nguyễn-Phước và Nguyễn-Hựu.

Đến năm Qúy-Mùi, Minh-Mạng thứ ba (1823), Thánh-Tổ Nguyễn-Phước Kiểu 阮福晈 mới
phân biệt là Tông-Thất Nguyễn-Phước 宗室阮福 và Công-Tánh Nguyễn-Hựu 公姓阮祐,
cùng phân chia ra Tiền-Hệ, Chánh-Hệ. Tiền-Hệ là các đời từ Triệu-Tổ Nguyễn Kim (1468-
1545) đến Thế-Tông Nguyễn-Phước Khoát 阮福䅥 (Võ Vương, 1714-1765). Chánh-Hệ là các
đời từ Thế-Tổ Nguyễn-Phước Ánh (1762-1820) cho đến sau nầy, và định mỗi hoàng-tử có
con cháu thì lập ra một Phòng 房 .

Ví dụ : Con cháu của Triệu-Tổ thuộc Đệ Nhất Tiền-Hệ. Con cháu của Thái-Tổ thuộc Đệ Nhị
Tiền-Hệ, hệ nầy có 3 phòng, vân vân … Con cháu của Thế-Tổ thuộc Đệ Nhất Chánh-Hệ, hệ
nầy có 9 phòng. Con cháu của Thánh-Tổ thuộc Đệ Nhị Chánh-Hệ, hệ nầy có 56 phòng. Con
cháu của Hiến-Tổ thuộc Đệ Tam Chánh-Hệ, hệ nầy có 15 phòng, vân vân …
 
Cũng nên nhắc là vì kỵ trọng húy của Hiến-Tổ Nguyễn-Phước Miên-Tông 阮福綿宗, nên đến
năm Tân-Sửu, Thiệu-Trị nguyên niên (1841), chữ tông 宗 được đổi ra chữ tôn 尊, và TôngThất
宗室 đổi thành Tôn-Thất 尊室.

Việc kỵ húy, Hiến-Tổ đã nhiều lần dạy, tuy vì phong tục phải tôn kính vua, cha, thì chỉ nên
tránh húy tên gọi, chứ không tránh húy tên tự, phải giảm bớt đi, đừng có câu nệ nhiều, để cho
« văn tự kém nghèo nàn, để cho văn chương thêm sáng sủa ». Nhưng tục lệ đã có lâu đời, nên
người xưa ít tuân thủ (Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Tập 8, quyển 121).
Đến năm Giáp-Thân, Minh-Mạng thứ tư (1824), Thánh-Tổ lại ban các bài Phiên-Hệ Thi, bài
Đế-Hệ Thi để phân biệt giữa con cháu của chính mình và con cháu của anh, em mình.

Ở đây cũng nên nói rõ âm hán-việt của chữ 福 là Phúc ở phía bắc Thanh-Hóa và Phước ở
phía nam Thanh-Hóa, chứ không phải kỵ húy chữ phúc trong nhóm chữ Nguyễn-Phúc mà
phải đọc trại ra Nguyễn-Phước. Bằng chứng, bây giờ, trong Nam, có những âm phước, như
Tống Phước Khải, Nguyễn Hữu Phước, phước lành, đầy ơn phước lạ..., nhưng hiện nay, một
số người, ngay cả những người trong họ Nguyễn-Phước đã đổi họ mình ra Nguyễn-Phúc cho
hợp thời, cho « đương đại », cho « thời thượng » chăng ?


II – Phiên-Hệ Thi, Đế-Hệ Thi và Tôn-Thất.

Thánh-Tổ đã làm ra 10 bài Phiên-Hệ Thi để đặt tên lót, theo thế hệ, cho con cháu của những
người anh, em mình và một bài Đế-Hệ Thi để đặt tên lót, theo thế hệ, cho con cháu của chính
mình. Chỉ những người có mang tên lót trong bài Đế-Hệ Thi mới được nối ngôi, còn những
người mang tên lót trong những bài Phiên-Hệ Thi thì không được nối ngôi, chỉ được phong
tước để làm phên giậu cho nhà vua. Ngoài ra những người thuộc Tiền-Hệ và con cháu của họ
đều không có tên lót ở giữa họ và tên.
Ví dụ : Tôn-Thất Nguyễn-Phước Miên-A, thuộc Đế-Hệ ; Tôn-Thất Nguyễn-Phước Mỹ-B,
thuộc Phiên-Hệ ; Tôn-Thất Nguyễn-Phước C, thuộc Tiền-Hệ.

1- Các bài Phiên-Hệ Thi và Đế-Hệ Thi.


Sau đây là 10 bài Phiên-Hệ Thi:

- Bài dành cho con cháu của Đông-Cung Anh-Duệ Hoàng-Thái-Tử Nguyễn-Phước Cảnh
阮福景, con trưởng của Thế-Tổ:
美麗(睿)英(增)彊壯Mỹ Lệ (vì kỵ húy nên đổi ra Duệ) Anh (đổi ra Tăng) Cường Tráng
聯輝發佩香 Liên Huy Phát Bội Hương
令儀咸巽順 Lịnh Nghi Hàm Tốn Thuận
偉望表坤光 Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ năm, Kiến-An Vương Nguyễn-Phước Đài
阮福旲:
良建謹(寧)安(和)術 Lương Kiến Cẩn (đổi ra Ninh) An (đổi ra Hòa) Thuật
攸行率義方 Du Hành Suất Nghĩa Phương
養怡相式好 Dưỡng Di Tương Thức Hảo
高宿彩為祥 Cao Túc Thể Vi Tường

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ sáu, Định-Viễn Quận-Vương Nguyễn-Phước Bính
阮福昺 :
靖懷瞻遠愛 Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái
景仰茂清珂 Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha
儼恪由衷達 Nghiễm Khác (có nơi cho là Cách 格) Do Trung Đạt
連忠集吉多 Liên Trung Tập Cát Đa

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ bảy, Diên-Khánh Vương Nguyễn-Phước Tấn
阮福晉:
延會豊亨合 Diên Hội Phong Hanh Hiệp
重元(逢)雋泰(朗)宜Trùng Nguyên (đổi ra Phùng) Tuấn Thái (đổi ra Lãng) Nghi
厚留成秀妙 Hậu Lưu Thành Tú Diệu
衍慶適方徽 Diễn Khánh Thích Phương Huy

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ tám, Điện-Bàn Công Nguyễn-Phước Phổ 阮福普:
信奠思維正 Tín Điện Tư Duy Chánh
誠存利建(妥)貞 Thành Tồn Lợi Kiến (đổi ra Thỏa) Trinh
肅恭承友誼 Túc Cung Thừa Hữu Nghị
榮顯襲卿名 Vinh Hiển Tập Khanh Danh

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ chín, Thiệu-Hóa Quận-Vương Nguyễn-Phước
Chẩn 阮福昣 :
善紹期純(循)理 Thiện Thiệu Kỳ Thuần (đổi ra Tuần) Lý
聞知在敏猷 Văn Tri Tại Mẫn Du
凝麟才至樂 Ngưng Lân Tài Chí Lạc
迪道允孚休 Địch Đạo Doãn Phu Hưu

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ mười, Quảng-Oai Công Nguyễn-Phước Quân
阮福昀:
鳳符徵啟廣 Phụng Phù Trưng Khải Quảng
金玉卓標奇 Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ
典學期加志 Điển Học Kỳ Gia Chí
敦彝克自持 Đôn Di Khắc Tự Trì

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ mười một, Thường-Tín Quận-Vương NguyễnPhước
Cự 阮福昛:
常吉祜(遵)家訓 Thường Cát Hỗ (đổi ra Tuân) Gia Huấn
臨莊粹盛躬 Lâm Trang Túy Thạnh Cung
慎修彌進德 Thận Tu Di Tấn Đức
受益懋新功 Thọ Ích Mậu Tân Công

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ mười hai, An-Khánh Vương Nguyễn-Phước
Quang 阮福晃:
欽從花(稱)懿範 Khâm Tùng Hoa (đổi ra Xưng) Ý Phạm
雅正始弘規 Nhã Chánh Thủy Hoằng Qui
愷悌騰勤譽 Khải Đễ Đằng Cần Dự
眷寧共緝熙 Quyến Ninh Cọng Tập Hy

- Bài dành cho con cháu của Hoàng-Tử thứ mười ba, Từ-Sơn Công Nguyễn-Phước Mão
阮福昴:
慈采揚瓊錦 Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm
敷文藹耀煌(陽) Phu Văn Ái Diệu Hoàng (đổi ra Dương)
百支均皆(輔)翼 Bách Chi Quân Giai (đổi ra Phụ) Dực
萬葉效匡襄 Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương
Sau đây là bài Đế-Hệ Thi, dành cho con cháu của Thánh-Tổ :
綿 洪 膺 寶 永 Miên Hường (kỵ húy Hồng) Ưng Bửu Vĩnh
保 貴 定 隆 長 Bảo Quý Định Long Trường
賢 能 堪 繼 述 Hiền Năng Kham Kế Thuật
世 瑞 國 嘉 昌 Thế Thoại (kỵ húy Thụy) Quốc Gia Xương

Như vậy con của Tôn-Thất Nguyễn-Phước Mỹ-… là Tôn-Thất Nguyễn-Phước Lệ-…, vân vân
… Con của Tôn-Thất Nguyễn-Phước Cường-… là Tôn-Thất Nguyễn-Phước Tráng-…, con
của Tôn-Thất Nguyễn-Phước Tráng-… là Tôn-Thất Nguyễn-Phước Liên-…, vân vân …
(Phòng Anh-Duệ, thuộc Phiên-Hệ). Hay con của Tôn-Thất Nguyễn-Phước Miên-… là TônThất
Nguyễn-Phước Hồng-…, vân vân … Con của Tôn-Thất Nguyễn-Phước Bửu-… là Tôn-
Thất Nguyễn-Phước Vĩnh-…, con của Tôn-Thất Nguyễn-Phước Vĩnh-… là Tôn-Thất
Nguyễn-Phước Bảo-…, vân vân … (thuộc Chánh-Hệ). Còn con của Tôn-Thất Nguyễn-Phước
D là Tôn-Thất Nguyễn-Phước F (thuộc Tiền-Hệ), và như vậy khó mà biết được thế thứ, vì
không có Hệ Thi.

Ngoài ra, những người thuộc Phiên-Hệ phải đặt tên theo ngũ hành, bắt đầu bằng bộ Thổ 土 rồi
đến bộ Kim 金, bộ Thủy 水(氵), bộ Mộc 木, bộ Hỏa 火(灬) và trở lại bộ Thổ… Ví dụ Mỹ-
Đường 美堂, chữ Đường thuộc bộ Thổ, thì con mang tên Lệ-Chung 麗鐘, chữ Chung thuộc
bộ Kim, vân vân …
Những người thuộc Đế-Hệ, thì mỗi Hoàng-Tử được ban cho một bộ chữ Hán để đặt tên cho
con cháu. Ví dụ phòng Vĩnh Quốc Công Hồng-Phi 洪伾 được ban cho bộ Phiến 片, và sau đó
có ban thêm bộ tường 爿. Phòng Gia-Hưng Vương Hồng-Hưu 洪休 được ban cho bộ Hành
行, và sau đó có ban thêm bộ Ngôn 言. Con cháu của phòng Vĩnh Quốc Công chỉ được lấy
tên theo bộ Phiến hay bộ Tường mà thôi. Con cháu của phòng Gia-Hưng chỉ được lấy tên theo
bộ Hành hay bộ Ngôn mà thôi. Nếu sau nầy con cháu quá đông có thể xin thêm một bộ khác.

2– Ý nghĩa bài Đế-Hệ Thi.

Những bài thơ trên, tuy dùng mỹ tự để ghép thành thơ, và để phân biệt từng thế hệ, từng đời
một, nhưng thâm ý rất sâu xa, có hàm ý khuyên răn, dạy bảo con cháu cố gắng học hành, trau
dồi đạo đức, để được nên người hữu dụng.

Ở đây, tôi chỉ bàn về bài Đế-Hệ Thi.
Trước khi cho ý nghĩa của toàn bài thơ, tôi cố gắng dịch nghĩa từng chữ một của bài.

- Miên 綿 có nghĩa là lâu dài, như trong các thành ngữ Miên Duyên 綿延 (dài dặc), Miên
Viễn 綿遠 (dài xa).
- Hường (Hồng) 洪 có nghĩa là lớn, như trong các thành ngữ Hồng Ân 洪恩 (ơn lớn), Hồng
Cơ 洪基 (sự nghiệp lớn).
- Ưng 膺 có nghĩa là vâng chịu, như trong thành ngữ Mậu Ưng Tước Vị 謬膺爵位 (lời nói
khiêm nhường : tuy không xứng đáng, nhưng đành vâng chịu nhận tước vị).
- Bửu (Bảo) 寶 có nghĩa là quý báu, như trong các thành ngữ Bửu Vị 寶位 (ngôi báu), Bửu
Bối 寶貝 (của quý).
- Vĩnh 永 có nghĩa là lâu dài, như trong các thành ngữ Vĩnh Cửu 永久 (lâu dài bất tận), Vĩnh
Đồ 永圖 (cái kế lâu dài).
- Bảo 保 có nghĩa là giữ gìn, chăm sóc, gánh trách nhiệm, như trong các thành ngữ Bảo
Chủng 保種 (giữ gìn nòi giống), Bảo Dân 保民 (chăm sóc cho dân).
- Quý 貴 có nghĩa là sang trọng, như trong các thành ngữ Quý Đức 貴德 (người quý hiển mà
có đạo đức), Quý Vật 貴物 (đồ quý báu).
- Định 定 có nghĩa là an bình, quyết định, tính trước, như trong các thành ngữ Định Đỉnh
定鼎 (dựng quốc đô, thành lập nước), Định Liệu 定料 (tính toán kế hoạch).
- Long 隆 có nghĩa là tốt, thịnh vượng, trang trọng, như trong các thành ngữ Long Ái 隆愛
(rất thân ái), Long Vận 隆運 (vận khí tốt).
- Trường 長 có nghĩa là dài, lâu, tốt, như trong các thành ngữ Trường Mệnh 長命 (sống lâu),
Trường Xứ 長處 (chỗ tốt).
- Hiền 賢 có nghĩa là tốt lành, vui mừng, người có đức hạnh, như trong các thành ngữ Hiền
Nhân 賢人 (người có đức), Hiền Sĩ 賢士 (người có tài).
- Năng 能 có nghĩa là đảm đang, tài cán, như trong các thành ngữ Năng Lực 能力(sức tích
trữ trong một người hay một vật), Năng Nhân 能人 (người tài nghệ).
- Kham 堪 có nghĩa là chịu được, đủ sức, như trong các thành ngữ Khả Kham 可堪 (có thể
đảm nhận được), Bất Kham 不堪 (không chịu được).
- Kế 繼 có nghĩa là tiếp nối, như trong các thành ngữ Kế Hậu 繼後 (nối theo), Kế Nghiệp
繼業 (tiếp nối sự nghiệp của người trước).
- Thuật 述 có nghĩa là kể lại, xây dựng, sáng tạo, như trong các thành ngữ Thuật Tác 述作
(truyền thuật và sáng tác), Thuật Mạng 述命 (công bố lệnh của nhà vua).
- Thế 世 có nghĩa là đời, như trong các thành ngữ Thế Hệ 世系 (hệ thống của một họ), Thế
Giới 世界 (hoàn cầu, vũ trụ).
- Thoại (Thụy) 瑞 có nghĩa là điềm tốt, tên chung các thứ ngọc, như trong các thành ngữ
Thụy Vũ 瑞雨 (Trời cho mưa lành), Thoại Nhân 瑞人 (người quý hóa hiếm có).
- Quốc 國 có nghĩa là nước, như trong các thành ngữ Quốc Gia 國家 (nước nhà), Quốc Vận
國運 (vận nước).
- Gia 嘉 có nghĩa là tốt đẹp, như trong các thành ngữ Gia Nạp 嘉納 (lời khen), Gia Tuế 嘉歲
(năm được mùa).
- Xương 昌 có nghĩa là thịnh vượng, như trong các thành ngữ Xương Ngôn 昌言 (lời nói
chính đáng), Xương Minh 昌明 (bày tỏ cho rõ ra).

Như đã trình trên, Thánh-Tổ dùng toàn mỹ tự làm bài Đế-Hệ Thi, để cố ý khuyên răn, dạy bảo
con, cháu cố gắng tu tâm, dưỡng tánh, học hành, suy ngẫm ; trau dồi đạo đức, tài năng cho
thành người hữu dụng, để rồi lo cho dân, cho nước, xứng đáng làm con cháu của tiền nhân đã
bao phen lao lực, tạo cơ đồ lớn lao, trù phú, từ Ải Nam-Quan đến Mũi Cà-Mâu.

Phải biết : Bảo Quý, Định Đỉnh, Long Vận, Trường Xứ.

Phải nên : Hiền Năng, Khả Kham, Kế Thế, Thuật Sự.

Tôi mạn phép phỏng dịch như sau :

Huân nghiệp lớn Tổ Tiên để lại,
Gắng giữ gìn cho được dài lâu.
Tu tâm, dưỡng tánh dễ đâu,
Phải nên hiền đức, phải thành tài anh.
Chăm lấy Nước hùng cường, hưng vượng,
Lo cho Dân thịnh đạt, phồn vinh.
Noi theo chí cả Thánh linh,
Ra sức nối nghiệp, đền bù ơn sâu.

III – Con cháu của các Hoàng-Tử. Công-Tôn, Công-Tằng-Tôn…

1- Tước phong cho Hoàng-Tử, Công-Chúa.

Con trai của Hoàng-Đế là Hoàng-Thân, con gái của Hoàng-Đế là Hoàng-Nữ. Sau khi ăn học,
đạt được khả năng về văn học, đạo đức sánh với lứa tuổi (15 tuổi trở lên), rồi do bộ Lễ tâu xin
và do chính Hoàng-Đế duyệt khảo, thì được nâng lên làm Hoàng-Tử, Công-Chúa với các tước
phong. Tước phong càc Hoàng-Tử, Công-Chúa thì phần nhiều lấy tên các Phủ, Huyện, hay
đôi khi lấy mỹ tự, như Tùng-Thiện Quận-Công Miên-Thẩm, Tuy-Lý Quận-Công Miên-Trinh,
Anh-Sơn Quận-Công Hồng-Phi, Gia-Hưng Quận Công Hồng-Hưu…, Nghi-Xuân Công-Chúa
Phước-Tường 福祥, Nghĩa-Đường Công-Chúa Tĩnh-An 靜安, Đồng-Xuân Công-Chúa GiaPhúc
嘉福, Vĩnh-An Công-Chúa Hòa-Thục 和淑 … Đối với các Hoàng-Tử, thường thường
được phong tước Quận-Công, sau đó, nếu càc Hoàng-Tử có công với Quốc Gia, Triều Đình
thì được gia phong lên tước Công hay tước Quốc Công. Tước Vương được phong khi HoàngTử
còn tại thế là một trường hợp rất hiếm, phần nhiều các Hoàng-Tử được phong tước Vương
sau khi đã tạ thế và con cháu đã hiển đạt mới tâu xin phong tặng cho Ông, Cha mình.

Tùng-Thiện là một huyện của phủ Vĩnh-Tường, tỉnh Sơn-Tây ; Tuy-lý là một huyện của phủ
Hàm-Thuận, tỉnh Khánh-Hòa ; Nghi-Xuân là một huyện của phủ Đức-Thọ, tỉnh Hà-Tĩnh ;
Nghĩa-Đường là một huyện của phủ Qùy-Châu, tỉnh Nghệ-An ; Đồng-Xuân là một huyện của
phủ Tuy-An, tỉnh Phú-Yên ; Vĩnh-An là một huyện của phủ Định-Viễn, tỉnh Vĩnh-Long ;
Anh-Sơn là một trong sáu phủ của tỉnh Nghệ-An ; Gia-Hưng là một trong bốn phủ của tỉnh
Hưng-Hóa…

2- Con cháu của các Hoàng-Tử.

Theo luật, con của một Hoàng-Tử là Công-Tôn (hay Hoàng-Tôn cháu nội của Hoàng-Đế),
nhưng các người con nầy dựa theo thời Đông Châu Liệt Quốc, cho phụ thân mình có tước
Công, tước Vương, nên tự xưng là Công-Tử, Công-Nữ. Chính Thánh-Tổ đã nhiều lần khiển
trách (Đại Nam Khâm Định Hội Điển Sự Lệ. Tập 1, quyển 1), nhưng chứng nào, tật nấy, rồi
thành ra cái lệ.

Vậy con của Hoàng-Tử là Công-Tử, Công-Nữ. Con của Công-Tử là Công-Tôn, Công-TônNữ.
Con của Công-Tôn là Công-Tằng-Tôn, Công-Tằng-Tôn-Nữ. Con của Công-Tằng-Tôn là
Công-Huyền-Tôn, Công-Huyền-Tôn-Nữ (có người lại thêm Công-Lai-Tôn, Công-Lai-TônNữ
để gọi những người con của các Công-Huyền-Tôn).

Vì sao cùng một thế hệ, ví dụ như thế hệ Vĩnh, mà chị, em gái lại có khi là Công-Tằng-TônNữ,
có khi là Công-Huyền-Tôn-Nữ ?

Chuyện là như sau :
Con của Thánh-Tổ là Hoàng-Tử Miên- …, con của Hoàng-Tử Miên- … là Công-Tử Hồng- …
hay Công-Nữ ... Con của Công-Tử Hồng- … là Công-Tôn Ưng- … hay Công-Tôn-Nữ ... Con
của Công-Tôn Ưng- … là Công-Tằng-Tôn Bửu- … hay Công-Tằng-Tôn-Nữ ... Con của
Công-Tằng-Tôn Bửu- … là Công-Huyền-Tôn Vĩnh-M hay Công-Huyền-Tôn-Nữ M’, vân vân
… (Đệ Nhị Chánh Hệ).

Con của Hiến-Tổ là Hoàng-Tử Hồng- ... Con của Hoàng-Tử Hồng- … là Công-Tử Ưng- …
hay Công-Nữ ... Con của Công-Tử Ưng- … là Công-Tôn Bửu- … hay Công-Tôn-Nữ ... Con
của Công-Tôn Bửu- … là Công-Tằng-Tôn Vĩnh-N hay Công-Tằng-Tôn-Nữ N’. Con của
Công-Tằng-Tôn Vĩnh-N là Công-Huyền-Tôn Bảo-P hay Công-Huyền-Tôn-Nữ P’, vân vân …
(Đệ Tam Chánh Hệ).

Vì vậy mà chị, em gái của Vĩnh-M là Công-Huyền-Tôn-Nữ M’ (Đệ Nhị Chánh-Hệ), và chị,
em gái của Vĩnh-N (Đệ Tam Chánh-Hệ), cũng cùng thế hệ Vĩnh hết, lại là Công-Tằng-TônNữ
N’, vân vân …

3- Họ và tên trong Tôn-Phả ở Phủ Tôn-Nhơn.

Họ và tên của một người trong họ Nguyễn-Phước lúc trước rất dài, như họ và tên của tôi,
trước triều Thành-Thái, trong Tôn-Phả ở Tôn-Nhơn phải viết là :
Công-Tằng-Tôn Tôn-Thất Nguyễn-Phước Vĩnh-Tráng 公曾孫尊室阮福永䗘. (Đệ Tam
Chánh Hệ, Phòng Vĩnh Quốc Công. Chữ Tráng thuộc bộ Tường 爿. Chữ 䗘 nầy có hai âm,
âm trang và âm tráng, là cổ tự của chữ 莊, thuộc bộ Thảo 艸; cùng・là cổ tự của chữ 壯, thuộc
bộ Sĩ 士).

Họ và tên của một người thuộc Phiên-Hệ : Tôn-Thất Nguyễn-Phước Cẩm-P (Phòng Từ-Sơn).
Họ và tên của một người thuộc Tiền-Hệ : Tôn-Thất Nguyễn-Phước Q.
Dưới triều Thành-Thái (1889-1907), vì tên họ trong Tôn-Phổ quá dài, nên có chỉ dụ cho bỏ
bớt và định lệ như sau :

- Chánh-Hệ : Những người con trai thì chỉ ghi hai chữ, như Ưng-R, Bửu-S, Vĩnh-T, vân vân
… Những người con gái thì ghi Công-Nữ …, Công-Tôn-Nữ …, Công-Tằng-Tôn-Nữ …,
Công-Huyền-Tôn-Nữ …, vân vân …
- Phiên-Hệ : Những người con trai cũng chỉ ghi hai chữ, như Phòng Từ-Sơn, thì Dương-U,
Quỳnh-V, vân vân … Những người con gái thì ghi Tôn-Nữ… (vì sợ lầm với họ Dương 楊,
nên nhiều người đã ghi là Tôn-Thất Dương-X (尊室揚X), và một số các cô cũng sợ lầm với
các cô Tôn-Nữ thuộc Tiền-Hệ, cùng để giữ lấy thế hệ của mình, nên đã ghi, như Tôn-Nữ
Quỳnh-Y).
- Tiền-Hệ : Những người con trai chỉ ghi Tôn-Thất Z, con gái thì Tôn-Nữ … .
Cũng vì vậy mà có người cho lầm những chữ Bửu, Vĩnh…, Tôn-Thất là những họ, như họ
Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Phạm …

4- Mụ, Mệ.

Dưới thời Thế-Tông Nguyễn-Phước Khoát 阮福䅥 (Võ Vương, 1714-1765), vì trong Vương-
Điện hiếm sinh con trai, và con trai hay bị chết yểu, nên dị đoan, mới kiêng kỵ. Con trai sinh
ra thì gọi bằng Mụ, cháu trai sinh ra thì gọi bằng Chị, xem như con gái vậy, để khỏi bị « Ông
Bà, ma quỷ » bắt. Từ đó về sau các người con, trai hay gái, đều được gọi bằng Mụ hết. Đến
thời Thánh-Tổ (1791-1841) lại thêm chữ Mệ cho khỏi « quê mùa ». Ở trong nhà thì gọi là Mụ,
ra đường người ta gọi là Mệ cho « thành thị, văn minh ».

Ngay cả con của các Công-Chúa cũng được gọi bằng Mụ, Mệ. Lúc trước, khi tôi còn ở Huế,
có ông Nguyễn Hữu Vu, ông ta là con của một bà Công-Chúa (không rõ là vị nào). Những
người hàng xóm đều gọi ông ta là Mệ Vu, chúng tôi thì gọi ông là yêng (anh) Vu. (vì kỵ trọng
húy của Thế-Tổ, chữ anh, sợ đọc trại ra chữ ánh, nên đổi chữ anh ra chữ yêng).

IV - Vài chi tiết về tên các Hoàng-Tử và trọng húy của các vị Hoàng-Đế.

1- Tên các Hoàng-Tử.

Nếu các Hoàng-Tử có chữ lót là Miên, thì tên phải đặt theo bộ Miên 宀 ; nếu có chữ lót là
Hường (Hồng), thì tên phải đặt theo bộ nhân 亻 , vân vân …, như bản sau đây :
Miên 綿(Miên 宀), Hồng 洪(Nhân 亻), Ưng 膺(Thị 礻), Bửu 寶(Sơn 山), Vĩnh 永(Ngọc玉 ),
Bảo 保(Phụ 阜), Quý 貴(Nhân亻), Định 定(Ngôn 言), Long 隆(Thủ扌), Trường 長(Hòa 禾),
Hiền 賢(Bối 貝), Năng 能(Lực 力), Kham 堪(Thủ 扌), Kế 繼(Ngôn 言), Thuật 述(Tâm 心),
Thế 世(Ngọc 玉), Thoại 瑞(Thạch 石), Quốc 國(Đại 大), Gia 嘉(Hòa 禾), Xương 昌(Tiểu小).
Ví dụ :
- Miên-Tông 綿宗 (trọng húy của Hiến-Tổ), Miên Thẩm 綿審, Miên Trinh 綿寊 … Các chữ
Tông, Thẩm, Trinh đều thuộc bộ Miên 宀 hết.
- Hồng-Nhậm 洪任 (trọng húy của Dực-Tông (Tự-Đức)), Hồng-Phi 洪伾 , Hồng-Hưu 洪 休
… Các chữ Nhậm, Phi, Hưu đều thuộc bộ Nhân亻 hết.
- Ưng-Chân 膺禛 (trọng húy của vua « Dục-Đức »), Ưng-Đàng 膺禟 (trọng húy của CảnhTông
(Đồng-Khánh), lúc nhỏ, người ta gọi là Mệ Tríu), Ưng-Hỗ 膺祜 (trọng húy của GiảngTông
(Kiến-Phước), lúc nhỏ là Mệ Mến). Các chữ Chân, Đàng, Hỗ đều thuộc bộ Thị 示 hết.
- Bửu-Lân 寶嶙 (trọng húy của vua Thành-Thái), Bửu-Nga 寶峨, Bửu Đảo 寶島 (trọng húy
của Hoằng-Tông (Khải- Định)), vân vân ... Các chữ Lân, Nga, Đảo đều thuộc bộ Sơn 山 hết.
- Vĩnh-Diệm 永琰, Vĩnh-San 永珊 (trọng húy của vua Duy-Tân), Vĩnh-Thụy 永瑞 (trọng húy
của vua Bảo-Đại), vân vân... Các chữ Diệm, San, Thụy đều thuộc bộ Ngọc 玉 hết.
- Bảo-Long 保隆, Bảo-Thăng 保陞. Các chữ Long, Thăng đều thuộc bộ Phụ 阜(阝) hết.

2- Trọng húy của các Hoàng-Đế.

Các Hoàng-Đế thuộc Tiền-Triều đều có trọng húy theo bộ Thủy 水(氵), đến đời Thế-Tổ thì
các trọng húy được đặt theo bộ Nhật 日. Ngoài Thế-Tổ và Thánh-Tổ, trọng húy của các
Hoàng-Đế nối ngôi, phải lấy theo thứ tự 20 chữ thuộc bộ Nhật viết sẵn trong Kim-Sách. Hai
mươi chữ đó như sau :
Tuyền, Thì, Thăng, Hạo, Minh 暶 時 昇 昊 明
Biện, Chiêu, Hoảng, Tuấn, Thiển 昪 昭 晃 晙 晪
Trí, Huyên, Giản, Huyên, Lịch 智 暄 暕 晅 㬏
Chất, Chiết, Yến, Hy, Duyên 晊 晢 曣 曦 㫟
Vì vậy mà :
- Hiến-Tổ (Thiệu-Trị) Miên-Tông 綿宗 lên ngôi lấy trọng húy là Miên-Tuyền 綿暶 .
- Dực-Tông (Tự-Đức) Hồng-Nhậm 洪任 lên ngôi lấy trọng húy là Hồng-Thì 洪時 .
- Hiệp-Hòa Hồng-Dật 洪佚 (con của Hiến-Tổ), lên ngôi lấy trọng húy là Hồng-Thăng 洪昇.
- Giảng-Tông (Kiến-Phước) Ưng-Hỗ 膺祜 (con nuôi của Dực-Tông, nên chữ Hỗ thuộc bộ
Thị 示 , lúc trước là con của Hoàng-Tử Kiên Quốc Công Hồng-Cai 洪侅 và có tên là Ưng-
Đăng 膺登 , chữ Đăng thuộc bộ Đậu 豆 ), lên ngôi lấy trọng húy là Ưng-Hạo 膺昊 .
- Hàm-Nghi Ưng-Lịch 膺粃 (vua Hàm-Nghi không phải là Hoàng-Tử, lúc trước là con của
Hoàng-Tử Kiên Quốc Công Hồng-Cai, chữ Lịch thuộc bộ Đậu, như chữ Đăng ), lên ngôi lấy
trọng húy là Ưng-Minh 膺明 .
- Cảnh-Tông (Đồng-Khánh) Ưng-Đàng 膺禟 (con nuôi của Dực-Tông, nên chữ Đàng thuộc
bộ Thị 示 , lúc trước là con của Hoàng-Tử Kiên Quốc Công Hồng-Cai và có tên là Ưng-Thị
膺豉 , chữ Thị thuộc bộ Đậu, như chữ Đăng, chữ Lịch, vì Phòng Kiên Quốc Công được ban
cho bộ Đậu 豆), lên ngôi lấy trọng húy là Ưng-Biện 膺昪.
- Thành-Thái Bửu-Lân 寶嶙 , lên ngôi lấy trọng húy là Bửu-Chiêu 寶昭 .
- Duy-Tân Vĩnh-San 永珊 , lên ngôi lấy trọng húy là Vĩnh-Hoảng 永晃 .
- Hoằng-Tông (Khải-Định) Bửu-Đảo 寶島, lên ngôi lấy trọng húy là Bửu-Tuấn 寶晙 .
- Bảo-Đại Vĩnh-Thụy 永瑞 , lên ngôi lấy trọng húy là Vĩnh-Thiển 永晪 .
Đó, vài hàng về tổ chức danh tánh, thế hệ trong họ Nguyễn-Phước. Tôi viết bài nầy để góp
phần nhỏ mọn của tôi vào Đặc-San Thiên-Hựu, Jeanne d’Arc năm 2011. Tuy đã gia tâm tham
khảo các tài liệu, nhưng thiếu sót chắc vẫn còn. Tôi mong các đàn anh, đàn chị, các bạn thấy
có chỗ nào còn sai lạc, xin chỉ bảo cho, và nếu có đàn anh, đàn chị hay bạn nào muốn khảo
cứu thêm về đề tài nầy, xin xem các tài liệu tham khảo đình kèm.


Nguyễn Vĩnh-Tráng
Cours Enf. Pré. Elé. 1948-1951 JDA,
Nội trú 8e
 1951-1952 TH.
209 052 011 nvt*ttl*

Tài liệu tham khảo :

- Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ gồm 15 tập do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam,
Viện Sử Học dịch thuật và do nhà Xuất Bản Thuận Hóa, Huế, ấn hành năm 1993.
Đây là một kho tài liệu đồ sộ, dịch thuật rất công phu. Rât tiếc là in sai quá nhiều, hầu như
mỗi trang đều có. Như Tường-Lân lại in là tường ban, Gia-Tường in là gia đường, ThụyThánh
in là thụy khánh, Nam-Ninh in là nam minh… Rồi cứ như thế mà tiếp tục in mãi cho
hàng chục trang sau. Ngoài ra những con số cho kích thước đôi khi cũng in sai, mặc dù có hai
người hiệu đính lần thứ nhất, một người hiệu đính lần thứ hai ! Thật đáng tiếc ! Đáng tiếc !
Ước mong khi cho tái bản, nhà Xuất Bản xem xét lại cẩn thận hơn, để cho những người không
có bản chữ Hán trong tay, được tiện đường khảo cứu.

- Đại Nam Thực Lục Chính Biên, do nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội dịch thuật và ấn hành
tại Hànội, năm 1978.
Rất tiếc, tôi chỉ có vỏn vẹn 2 tập XXXI và XXXVIII, trong 38 tập cả thảy.

- Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, do Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc soạn, và do nhà Xuất
Bản Thuận Hóa, Huế ấn hành năm 1995.
Những tác giả đã dựa vào một số tài liệu rất phong phú, biên soạn rất công phu. Có rất nhiều
chi tiết về tên, tuổi, sự nghiệp của các Hoàng-Tử, Công-Chúa. Có chỗ in sai và có bản đính
chính, tuy thế vẫn còn đôi chỗ in (soạn ?) sai về chữ Việt lẫn chữ Hán. Đó cũng là chuyện
thường tình cho việc biên khảo gần 500 trang.
Điều đáng tiếc là các tác giả dựa vào Phiên Thiết « nói lái » mà không dựa thêm vào các
thanh Bình, Thượng, Khứ, Nhập cùng hai bậc Phù, Trầm như các nhà Ngữ Học Dương Quảng
Hàm, Lê Ngọc Trụ, Tống Phước Khải... đã giải thích, cùng không để ý là trong cách đọc chữ
Hán có « luật nhân tuần 因循», nên đã cho âm chữ 映 (ánh) là anh (không dấu) hay cho âm
chữ 淦 (kim) là cam, âm chữ 㫻 (luân) là côn, vân vân...

- Bulletins des Amis du Vieux Huê, gồm 104 tập, từ năm 1914 đến năm 1944.
Là một kho tài liệu rất phong phú về Huế, về nhà Nguyễn và cả về đất nước Việt-Nam do
người Pháp để lại. In ấn rất công phu, tỉ mỉ về chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Việt cùng
các hình ảnh, họa đồ. Hiện giờ đã thâu vào CD.

- Les Tombeaux des Nguyễn. Richard Orband. Do Bulletin de l’Ecole Française d’ExtrêmeOrient


– BEFEO - ấn hành năm 1914, tại Paris.
Tài liệu về các Hoàng-Đế, Hoàng-Tử bằng chữ Pháp, chữ Hán, chữ Việt từ Thái-Tổ Nguyễn
Hoàng đến triều vua Duy-Tân.

- Khang-Hy Tự-Điển. Nhà Xuất Bản Trung Hoa Thư Cục, Bắc-Kinh, 1997.
Tôi đã dùng cuốn Tự-Điển nầy để tra những chữ Hán cổ.

- Hán-Việt Từ-Điển. Đào Duy Anh. Nhà Xuất Bản Trường-Thi Sàigòn. In lần thứ ba.
Tôi đã dùng cuốn Từ-Điển nầy để tra chữ Hán và lấy các thành-ngữ chữ Hán.

- Hán-Việt Tự-Điển. Thiều-Chửu. Tái bản lần thứ hai (in tại Mỹ, không có tên nhà Xuất
Bản).

Tôi đã dùng cuốn Tự-Điển nầy để tra những chữ Hán trong Khang-Hy Tự-Điển.

TrangNguyenVinh

Tổng số bài gửi : 23
Join date : 11/06/2017

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết